Du xuân khám phá 4 lễ hội đầu năm của Việt Nam độc đáo

Trong tiết trời cuối đông, đầu xuân, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới từ Nam chí Bắc bắt đầu tổ chức nhiều lễ hội đầu năm theo phong tục tập quán của mỗi vùng miền. Đây là một trong những nét đẹp tinh thần, tâm linh vô giá cùng những lời nguyện cầu, mong ước về một năm mới no đủ.

Đa phần những lễ hội đặc sắc ở Việt Nam thường được tổ chức vào những dịp đầu xuân năm mới, đặc biệt vào thời điểm tháng 1 đến tháng 3. Mỗi lễ hội đều có những nét đẹp văn hóa, truyền thống và bản sắc riêng theo từng vùng miền. Dưới đây Dulichvietnam sẽ giới thiệu đến mọi người những lễ hội đầu năm của Việt Nam được quan tâm hiện nay.

Lễ hội Chùa Hương – Lễ hội đầu năm được mong chờ nhất của người dân miền Bắc

Lễ hội Chùa Hương là một lễ hội lớn không chỉ ở Hà Nội vào những dịp xuân về mà còn là lễ hội nổi tiếng trên khắp cả nước. Hàng năm, cứ từ mùng 6 Tết kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch là mọi người nô nức rủ nhau về Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để tham dự lễ hội.

Khi đến đây, du khách không chỉ đến để bái Phật, thắp hương cầu mong một năm mới an lành, may mắn mà mọi người còn có cơ hội tận mắt xem những nghi thức rước lễ thiêng liêng duy nhất một lần trong năm. Bên cạnh đó, vào dịp lễ hội Chùa Hương còn có những màn trình diễn nghệ thuật đậm chất dân gian, tín ngưỡng độc đáo.

Hơn thế, vào dịp đầu năm đến với lễ hội Chùa Hương, du khách còn được thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên nơi đây đầy nên thơ, trữ tình. Tuy nhiên, vào những dịp lễ này tại Chùa Hương rất đông người tứ xứ đến để tham gia hội nên mọi người cần đến sớm để tránh tình trạng tắc đường.

Bên cạnh đó cần phải cảnh giác với những lời ‘cò’ chào mời như khi đi thuyền, mua vé vào cổng,… nên thỏa thuận giá rõ ràng. Về đồ cúng lễ, du khách nên chuẩn bị trước ở nhà không nên mua tại đây vì thường giá sẽ rất cao, dễ bị chặt chém mà đồ lễ không đảm bảo chất lượng.  

Để có thể vào bên trong tham dự hội chùa Hương, du khách cần phải mua vé tham quan vào cửa với mức giá khoảng 50.000 VNĐ/người, vé đò qua suối Yên là khoảng 35.000 VNĐ/người. Ngoài việc tham gia lễ hội, cúng Phật,… mọi người nên đi thăm thú khung cảnh thiên nhiên xung quanh cụm di tích Chùa Hương để có được những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ.

Khám phá lễ hội Lồng Tồng của người Tày

Lễ hội Lồng Tồng hay còn được gọi là lễ xuống đồng, một trong những lễ hội quan trọng nhất vào dịp đầu năm mới của người dân tộc Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên,… Lễ hội này thường diễn ra từ ngày mùng 2 Tết âm lịch đến hết ngày 30 tháng giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới.

Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức chủ yếu trong các bản làng riêng, mang ý nghĩa gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt. Mỗi dịp lễ hội họ thường cầu cúng thần nông – vị thần cai quản ruộng đồng, làng bản để cho cây cối tươi xanh, mùa màng bội thu, mọi người ấm no, gia súc sinh sôi phát triển, bản làng yên ấm.

Hội thường được tổ chức ở ngoài trời ở trên một thửa ruộng lớn nên mới được gọi tên là Lồng Tồng (ruộng xuống đồng). Lễ hội được chia thành hai phần chính là phần lễ và phần hội.

Ở phần lễ người chủ trì hội là ông thái đình (người coi đình hay người coi việc thờ cúng thần Nông của bản) sẽ đứng ra tế lễ cầu thần Nông, tạ thiên địa, thần Phục Hy để độ trì cho gia cẩm sinh sôi, mưa thuận gió hòa, mùa màng phát triển, bản làng yên ấm. Còn tất cả người dân ở bản sẽ mang mâm lễ thường có thịt lợn, rượu trắng, xôi nếp và các loại bánh như bánh dày, bánh khẩu sli, bánh khảo,… để trình lên thần với lời ước gia đình êm ấm, mùa màng bội thu trong năm mới.

Còn tới phần lễ, người dân từ trẻ đến già đều cùng nhau ca hát, nhảy múa, tham gia các trò chơi dân gian như cướp còn, ném còn, kéo co, đánh yến, đánh quay, múa lân, múa giáo, thi sản vật địa phương,… rất thú vị. Khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm được cuộc sống tuy có thiếu thốn nhưng về tinh thần và con người nơi đây lúc nào cũng căng tràn sức sống và lan tỏa được giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trải nghiệm lễ hội Cầu Ngư – Lễ hội truyền thống đầu năm ở miền Trung

Cứ mỗi sáng sớm 12 tháng Giêng, tại làng Thái Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế mọi người nô nức, háo hức tổ chức lễ hội Cầu Ngư, một trong những lễ hội truyền thống đầu năm ở dải đất miền Trung.

Lễ hội Cầu Ngư là một lễ hội lớn được người dân miền Trung, đặc biệt tại Huế rất mong mỏi chờ đón. Tại lễ hội có rất nhiều hoạt động vui chơi thú vị với các hoạt cảnh dân gian vui nhộn, đặc trưng cho các sinh hoạt văn hóa của người dân vùng biển nơi đây. Mở đầu lễ hội, bác tộc trưởng sẽ đại diện mọi người thắp hương cầu nguyện năm mới ‘sóng yên biển lặng’, thuyền đầy cá, cuộc sống người dân ấm no, làm ăn thịnh vượng sau đó sẽ đánh 3 hồi trống đại.

Khi vừa dứt tiền trống, một người trung niên được cử đại diện sẽ mặc lễ phục màu đỏ đi kèm có hai thuyền trưởng tàu đánh cá mặc trang phục dân chài lưới, đầu bịt khăn đỏ sẽ diễn những tình huống khôi hài tạo sự vui vẻ cho mọi người. Sau đó sẽ đến với phần hội, lần lượt mỗi đội sẽ diễn những vở kịch liên quan đến biển cả và cái kết là báo hiệu một mùa bội thu. Bên cạnh đó cũng có nhiều trò chơi dân gian, vui múa hát rất linh đình trong dịp đầu năm.

Lễ hội Cầu Ngư ở làng Thai Dương Hạ không chỉ mang ý nghĩa cầu một năm mới ra khơi thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu mà họ còn thể hiện được quyết tâm bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền vùng biển tổ quốc. Đây là một lễ hội thể hiện nét đẹp trong văn hóa tâm linh được gìn giữ và tổ chức trang nghiêm, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.

Lễ hội Dinh Cô nổi tiếng linh thiêng tại Vũng Tàu

Lễ hội Dinh Cô thuộc hệ thống lễ hội thờ Mẫu – Nữ thần tiêu biểu của ngư dân ở Vũng Tàu. Lễ hội này không đơn thuần chỉ là thờ Mẫu – Nữ mà còn là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư cùng với thờ cúng Thần Biển của cư dân địa phương.

Hàng năm cứ vào dịp từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch, hàng chục ngàn người từ các miền quê, tỉnh thành trong và ngoài nước về Dinh Cô thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tham dự lễ hội. Đây là lễ hội đã có từ lâu đời và được xem là một lễ hội lớn nhất của vùng ngư dân ven biển Nam Bộ.

Trong ngày lễ, không gian tại thị trấn Long Hải được trang trí rực rỡ, hoành tráng nhưng không kém phần trang nghiêm. Bên cạnh đó, các nhà trong vạn ghe đều sẽ đặt bàn hương, trên có mâm xôi, bánh trái, nhanh đen,… và buổi tối còn treo đèn lồng rất lung linh. Còn trên các mũi ghe thuyền đều được trang trí với đèn giấy nhiều màu sắc, kết hoa từ mũi thuyền đến lái hoàn toàn thấy được không khí lễ hội được người dân nơi đây chuẩn bị rất chu đáo.

Một nghi thức khác xuất hiện trong lễ hội Dinh Cô chính là lễ phóng sinh. Người dân nơi đây sẽ mua chim để trong lồng và tổ chức phóng sinh với hy vọng công việc của họ luôn gặp thuận lợi, thuận buồm xuôi gió, biển yên sóng lặng.

Trong những ngày lễ diễn ra, người dân đến tham dự lễ hội sẽ tổ chức các cuộc thi múa hát, diễn tuồng và hát bội. Ngoài ra, mọi người còn tổ chức múa bông, múa lân sư rồng cùng nhiều trò chơi dân gian như đua thúng, đua thuyền, bắt cá,… rất nhộn nhịp. Khi diễn ra lễ hội thu hút rất nhiều người đến tham gia từ người dân đến khách du lịch thêm phần hấp dẫn và náo nhiệt hơn.

Có thể thấy rằng, Việt Nam không chỉ có những cảnh đẹp, món ăn ngon độc đáo bên cạnh đó những lễ hội đầu năm của dải đất hình chữ S cùng thể hiện được nét đẹp tâm linh riêng biệt. Nếu có cơ hội hãy ghé đến tham dự những lễ hội này để thấy được giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam tuyệt vời như thế nào nhé.

Tags:

Blog related

Hot recipes