Canh chua cá linh bông điên điển đặc sản mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ

Cứ vào mỗi độ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm vùng đất miền Tây Nam bộ lại được bồi lắng phù sa bởi những con nước từ thượng nguồn sông Mekong ồ ạt đổ về hạ nguồn rồi đổ ra biển lớn. Người miền Tây chúng tôi gọi đó là mùa nước nổi.

Mùa nước nổi đem đến cho vùng đất miền Tây không chỉ phù sa mà còn mang đến cho người dân nơi đây những sản vật những món ăn dân dã nhưng mang đậm dấu ấn riêng của một vùng quê nam bộ trong số đó phải kể đến món canh chua cá linh bông điên điển.

Món này đã trả thành món ăn kinh điển của người miền Tây. Nó đặc biệt ở chổ các nguyên liệu rất đặc trưng của vùng đất miền Tây vào mùa nước nổi.

Để nấu một tô canh chua cá linh bông điên điển chính gốc miền Tây thì việc lựa chọn nguyên liệu cũng không kém phần quan trọng.

Để thưởng thức được hết vị béo vị ngon cá linh bạn nên chọn cá linh đầu mùa hay người miền Tây gọi là cá linh non. Cá linh được người miền Tây đánh bắt bằng việc giăng lưới, đặt vó hay chài… vào đầu mùa những mẻ cá linh non vảy bạc lấp lánh nhảy xoi xói.

Đánh bắt cá linh mùa nước nổi

Bông điên điển, một loài bông chỉ mọc khi nước lũ tràn bờ đê phủ trắng các cánh đồng ở Miền Tây. Những bông màu vàng đậm mọc thành chùm buông mình xuống mặt nước nặng trĩu phù sa. Bông điên điển ngon nhất khi bông còn chưa nở và phải được hái thật sớm vào buổi sáng.

Bông điên điển mùa nước vàng ươm

Thêm một ít ngò gai, rau ôm vài ba trái ớt và đặc biệt canh chua là phải có me. Không biết nơi khác như thế nào chứ người miền Tây thường sử dụng me tươi để nấu canh chua khi đó nước canh chua sẽ trong và vị chua sẽ thanh hơn.

Bắc chừng nửa nồi nước lên, khi nước sôi cho me vào. Dằm ra lấy vị chua, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Một nồi canh chua chuẩn vị miền Tây phải có vị chua ngọt cân bằng vị the cay của ớt. Khi nước sôi một lần nữa thì cho cá linh vào, chờ đến khi nước sôi lại lần nữa thì nêm nếm lại, mách bạn là nên nêm cho canh chua hơi mặn tý sau đó cho bông điên điển vào tắt lửa sau đó bỏ hết các nguyên liệu còn lại vào, khi đấy nồi canh chua của bạn sẽ có vị vừa ăn do rau cải đã làm giảm bớt vị mặn của canh.

Canh chua cá linh bông điên điển Miền Tây

Một tô canh chua đúng chất miền Tây và ngon đúng điệu thì bông điên điển phải vừa chính tới không quá nát còn giữ được màu vàng bắt mắt. Thêm một ít mắm trong kèm vài lát ớt một chén cơm nóng thì xem như bạn đã thưởng thức được món ăn kinh điển của người miền Tây.

Canh chua cá linh bông điên điển từ cách chọn nguyên liệu đến cách thức thực hiện nó dân dã, chất phác đơn giản như bản chất của người miền Tây. Mặc dù đơn giản là thế, mộc mạc là thế nhưng hương vị của nó khiến bất cứ người con nào xa quê khi ăn phải đều man mác một nỗi nhớ quê hương bởi vị chua cay mặn ngọt hài hòa, vị béo của cá linh, vị bùi bùi của bông điên điển. Trước vị ngon bình dị ấy mà bông điên điển đã đi vào thơ ca:

         “Xa xăm nơi chốn bưng biền – Ăn bông điên điển nghiêng mình nhớ đất quê”

Nếu một lần có dịp hãy thử về miền Tây vào mùa nước nổi hãy một làm nếm thử món canh chua dân dã nhưng đã trở thành món ăn “quốc dân” của người miền Tây.

Tags:

bông điên điển

cá linh

canh chua cá linh

canh chua bông điên điển

Bài viết liên quan

Món ăn nổi bật