5 trải nghiệm thú vị chỉ có ở mảnh đất Tây Nguyên nắng gió
Mảnh đất Tây Nguyên không chỉ biết đến với những rừng núi cà phê bạt ngàn, miền đất đỏ Bazan, những ngôi nhà Rông độc đáo, mà nơi đây còn mang đến rất nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mỗi khi ghé đến.
Thiên nhiên trên mảnh đất Tây Nguyên ẩn chứa rất nhiều điều kỳ diệu với những dòng thác nước hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những rừng cà phê xanh ngát,.. Cùng với đó, khi đến với mảnh đất đầy nắng gió này, du khách còn được tham gia vào các lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc anh em, văn hóa và con người nơi đây hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm chỉ đến với Tây Nguyên bạn mới cảm nhận được.
Khám phá không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Khi nói tới văn hóa cồng chiêng thì phải nhắc đến vùng đất Tây Nguyên đại ngàn. Nghệ thuật văn hóa cồng chiêng nơi đây trải rộng suốt 5 tỉnh thành ở Tây Nguyên từ Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum tạo nên một nét đặc trưng và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam gắn liền với các cư dân của các dân tộc như Ê Đê, Giarai, Xê Đăng, Bana,….
Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên đặc sắc. Ảnh:Vanhien.vn.
Loại nhạc cụ này thường được sử dụng trong các lễ hội lớn của các dân tộc như lễ mừng lúa mới, lễ cúng Bến Nước, sinh hoạt chung của cộng đồng và trở thành tiếng nói của tâm hồn, tâm linh để diễn tả niềm vui và nỗi buồn trong lao động, sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Thông thường người dân Tây Nguyên sẽ tổ chức lễ hội cồng chiêng ở các buôn làng, nhà rông, nhà mồ, khu rừng cạnh các buôn làng, nhà dài,…
Hình ảnh cổng chiêng luôn suất hiện trong các lễ hội vùng núi Tây Nguyên. Ảnh:Du Lịch.
Theo quan niệm của người dân Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều ẩn chứa một vị thần, nếu cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần sẽ càng cao. Bên cạnh đó, cồng chiêng còn được xem là tài sản quý giá, biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực. Nên vào những ngày hội lớn, âm thanh cồng chiêng, cùng hình ảnh vòng người nhảy múa xung quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần giúp không gian Tây Nguyên trở nên huyền ảo và trang trọng hơn bao giờ hết. Đồng thời đây còn là biểu tượng của sử thi Tây Nguyên, đã đi vào những câu chuyện lịch sử, những bài thơ ca vừa hùng tráng vừa lãng mạn.
Bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh:Vanhien.vn.
Khi đến đây vào những dịp cuối tuần, hay dịp lễ Tết du khách sẽ có cơ hội thưởng thức tiếng cồng chiêng của người dân Tây Nguyên vang vọng núi rừng. Cùng với đó, bạn sẽ cùng người dân nhâm nhi những chén rượu cần bên bếp lửa bập bùng, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm rõ hơn về cuộc sống bình dị của người dân đồng bào Tây Nguyên.
Khám phá nhà Rông – Biểu tượng linh hồn làng bản trên mảnh đất Tây Nguyên
Nhà Rông là một trong những kiểu nhà sàn đặc trưng của người dân Tây Nguyên, đồng thời là biểu tượng linh hồn của các buôn làng. Nơi đây thường được dùng làm nơi tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong các buôn làng đến và bàn bạc các vấn đề quan trọng.
Khám phá ngôi nhà truyền thống của người dân tộc vùng núi Tây Nguyên. Ảnh: VietnamPlus.
Bên cạnh đó, nhà Rông còn là ngôi nhà đặc sắc về kiến trúc, hội tụ tinh hóa văn hóa và là linh hồn làng của các dân tộc thiểu số sinh sống tại các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên như Ba Na, Giarai, Xê Đăng, chủ yếu thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Khác với nhà ở thông thường của người dân tộc thiểu số, nhà Rông thường được làm theo kiểu nhà sàn cao với vật liệu đơn giản từ tranh tre, nứa lá hoàn toàn phù hợp với không gian văn hóa của buôn làng và thân thiện với môi trường.
Nhà Rông là biểu tượng linh hồn của các bản làng Tây Nguyên. Ảnh:tienphong.vn.
Nhà Rông Tây Nguyên thường được dựng ghép bằng mộng gỗ, dùng dây rừng để buộc chặt lại và dùng lá nứa để lợp chứ không dùng các vật liệu sắt, thép, xi măng để liên kết như nhà ở thông thường. Điều thú vị là cùng với sự phát triển của xã hội, cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành vẫn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa buôn làng Tây Nguyên. Đặc biệt đối với kiến trúc nhà Rông luôn được phát huy hiệu quả và trở thành điểm thu hút khách du lịch đến Tây Nguyên để khám phá ngày càng nhiều.
Nhà Rông được xây dựng bằng những vật liệu đơn sơ cùng sự đóng góp của người dân. Ảnh: Nguoiduatin.
Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên hầu hết sẽ diễn ra tại nhà Rông cùng với nhiều hoạt động thú vị. Người dân trong bản ngồi quây quần bên nhau quanh bếp lửa, bên cạnh những chum rượu cần cùng với đó là những điệu múa truyền thống hòa cùng tiếng cồng chiêng đang cất lên với những bài ca tiếng dân tộc đầy sâu lắng. Tất cả đều cùng ngồi trong gian nhà Rông rộng lớn ẩm cúng, tất cả đều là một điểm nhấn độc đáo chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên.
Thú cưỡi voi ở vùng Bản Đôn
Chắc hẳn khi nói tới điểm độc đáo chỉ có ở mảnh đất Tây Nguyên sẽ nói tới thú cưỡi voi ở nơi đây. Đặc biệt ở vùng đất Bản Đôn được biết đến là nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Vì vậy những chú voi ở Bản Đôn thường rất hiền lành và nhiều du khách di đến với mảnh đất Tây Nguyên thường thích thú với trải nghiệm được ngồi lắc lư trên lưng những chú voi to lớn.
Đến Tây Nguyên thực hiện giấc mơ cưỡi voi thuở bé. Ảnh: Mytour.vn.
Hiện nay các vườn quốc gia như Bản Đôn, Yok Đôn, Hồ Lắk thuộc tỉnh Đắk Lắk cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 – 40km đều có dịch vụ cho cưỡi voi để du khách đến và trải nghiệm. Hầu như giá cưỡi voi tại đây không đắt cũng không rẻ, tùy thuộc vào từng gói dịch vụ và nhu cầu của từng khách hàng để lựa chọn gói phù hợp. Hiện nay có 3 mức giá khác nhau là 150.000 VNĐ cho 15 phút, 300.000 VNĐ cho 30 phút và 600.000 VNĐ cho 1 tiếng. Trên mỗi lưng một chú voi sẽ chuyên chở được 3 người nên mức giá này hoàn toàn hợp lý để du khách trải nghiệm được cảm giác cưỡi voi rất thú vị.
Lễ hội đua voi ở vùng đất Tây Nguyên. Ảnh: AutoBikes.vn.
Từ trên lưng voi, du khách có thể được chở đi tham quan các buôn làng để chiêm ngưỡng khung cảnh yên bình thơ mộng, cùng đi qua những cánh rừng nguyên sinh, con suối. Cùng với đó sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm cho chút phiêu lưu, mạo hiểm nhưng cực kỳ an toàn với hoạt động cưỡi voi biểu tượng chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên nắng gió.
Đến Tây Nguyên không cưỡi voi là một thiếu sót lớn. Ảnh: bmtcogi.com.
Thưởng thức hương vị cà phê độc đáo tại ‘Thủ phủ cà phê’
Hầu như ở các tỉnh thành Tây Nguyên huyện nào cũng trồng cà phê, đây là một trong những điểm nổi bật nhất chỉ có vùng đất Tây Nguyên khiến du khách nhớ đến. Đặc biệt, Buôn Ma Thuột là một thành phố thuộc tỉnh Đắk Lắk từ lâu được xem là ‘thủ phủ cà phê’ của Việt Nam để có thể thưởng thức được những tách cà phê ngon đúng chuẩn.
Tây Nguyên vùng đất của rừng cà phê đại ngàn. Ảnh: Wiki-travel.com.vn.
Khi đến với mảnh đất Tây Nguyên, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những đồn điền cà phê xanh ngút ngàn, đây chính là nơi trồng cà phê lớn nhất cả nước, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những tách cà phê ngon nhất, cũng như được chìm đắm vào không gian yên bình, tĩnh lặng của núi rừng Tây Nguyên.
Hương vị cà phê Tây Nguyên rất đặc trưng. Ảnh: Cà Phê Nguyên Chất.
Hương vị cà phê ở Tây Nguyên rất thơm ngon đậm đà. Chính đặc điểm đất đỏ bazan, cùng với độ cao phù hợp và thời tiết nắng gió ở Tây Nguyên đã tạo nên hương vị cà phê đặc trưng rất riêng. Mỗi ly cà phê ngon đều chứa đựng hương vị tự nhiên, có độ tươi, sạch lưới, chua thanh, cũng có độ dầu đậm và đặc biệt là tỏa ra mùi hương rất thơm bất kỳ ai thưởng thức đều xao xuyến.
Cà phê được trồng ở Tây Nguyên luôn tạo nên những ly cà phê ngon nhất. Ảnh: tintaynguyen.com.
Đối với mỗi người dân nơi đây, việc uống cà phê đã trở thành một nhu cầu thiết yếu hàng ngày, lâu dần nó trở thành bản sắc văn hóa rất riêng trong tiềm thức của người dân Tây Nguyên, cũng như bất kỳ ai tìm về núi rừng đại ngàn này.
Thưởng thức những món ăn đậm chất Tây Nguyên đại ngàn
Tây Nguyên là mảnh đất sinh sống của rất nhiều đồng bào dân tộc anh em nên nền văn hóa ẩm thực tại đây cũng rất đa dạng và phong phú. Ngoài những món ăn nổi tiếng như cơm lam, cà đắng, cá lăng, măng chua,… ẩm thực Tây Nguyên còn thu hút du khách với rất nhiều món ăn hấp dẫn khác như gỏi lá, bò một nắng, thịt nai,… đều là những món ăn đặc sản của núi rừng.
Ẩm thực độc đáo của Tây Nguyên mang đậm hương vị núi rừng. Ảnh: Vietnam Journey.
Hầu hết các món ăn ẩm thực Tây Nguyên chủ yếu được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên, họ biết cách kết hợp với nhau để tạo thành một món ăn đầy đủ hương vị. Khi thưởng thức, du khách hoàn toàn có thể cảm nhận được hương vị của núi rừng, thiên nhiên và con người Tây Nguyên rất riêng biệt mà không phải vùng đất nào cũng có.
Khám phá ẩm thực Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Ảnh: bvhttdl.gov.vn.
Mảnh đất Tây Nguyên trù phú có rất nhiều điều thú vị rất đặc trưng mà không phải vùng đất nào cũng có được. Vậy nên, nếu có thời gian hãy ghé đến các tỉnh thành Tây Nguyên để có thể khám phá và trải nghiệm được những điều tuyệt vời mà thiên nhiên núi rừng, con người và văn hóa nơi đây mang đến cho du khách nhé.